“Kiến trúc sư” của những ngôi trường hạnh phúc

- Không chỉ là những người lái đò cần mẫn đưa học sinh đến với bến bờ tri thức, ngày nay, các thầy cô giáo trong mỗi trường học còn có vai trò kiến tạo, xây dựng nên mối quan hệ bền chặt giữa thầy và trò, giữa học sinh với học sinh. Với phương pháp giáo dục, dẫn dắt bằng tâm lý, khơi gợi bản lĩnh sống và trách nhiệm trong mỗi học trò, mỗi thầy cô được ví như một “kiến trúc sư” đặt nền móng cho những ngôi trường hạnh phúc. 

Khơi dậy tình yêu thương

Khi tìm kiếm trang Fanpage Trường THCS Đội Bình (Yên Sơn) trên trang mạng xã hội, ngay lập tức hiện lên trên màn hình là dòng chữ “vui vẻ”. Đó không chỉ là biểu hiện của một ngôi trường gắn kết mà còn là mục tiêu, hành động của các thầy cô giáo dành cho các em học sinh nơi đây. Thầy giáo Hoàng Mạnh Hiền, Hiệu trưởng nhà trường có khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền từ và đôi mắt sáng, thầy cũng là một trong số ít các thầy cô trên địa bàn tỉnh có chứng chỉ Tâm lý học. Không chỉ áp dụng nghiên cứu tâm lý vào công tác quản lý tại nhà trường, thầy Hiền còn trực tiếp tham gia nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống, tư vấn văn hóa ứng xử học đường, khơi dậy lòng biết ơn cho học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn.

Thầy giáo Hoàng Mạnh Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Đội Bình trò chuyện về văn hóa ứng xử học đường cùng các em học sinh Trường THCS Tân Tiến (Yên Sơn).

“Bố mẹ của con ơi, gia đình của con ơi, con của bố mẹ ngày càng lớn thì bố mẹ ngày một già đi, năm nay con đã 17 tuổi rồi…”. Đó là mở đầu những dòng tâm sự của một cậu học trò đặc biệt ở một ngôi trường mà thầy Hoàng Mạnh Hiền từng tư vấn tâm lý. Một cậu học trò 17 tuổi học lớp 9, trên tay đã có những hình xăm và một quá khứ không êm đềm. Dù vậy, khi được hỏi về em, thầy Hiền vẫn kể lại bằng giọng ân cần: “Mỗi bạn đều có ký ức đáng được tôn trọng. Đó là một cậu bé đặc biệt vì bố mẹ mải làm kinh tế, ít nhận được sự quan tâm nên em đã từng nghịch ngợm, đánh nhau và không thể lên lớp. Những dòng chữ nắn nót được viết trên thiệp trái tim hồng gửi đến cha mẹ em đó là lời hứa cố gắng học tập, tu dưỡng để có thể tốt nghiệp THCS trong năm nay”.

Nổi tiếng với những câu chuyện tâm lý đầy xúc cảm lấy đi nước mắt của các em học sinh, thầy Hiền cười bảo rằng, đó là cách tốt nhất để chạm vào trái tim, khơi dậy tình yêu thương, tấm lòng hiếu thảo, sự biết ơn trong các em học sinh thân yêu của mình. Áp dụng ngay tại trường THCS Đội Bình, thầy bảo rằng mỗi người giáo viên chủ nhiệm, cô tổng phụ trách đội phải quán xuyến và nắm bắt, hiểu được hoàn cảnh, tâm sinh lý của từng em. Từ đó có cách tiếp cận, đồng hành đúng đắn, để các em có thể vui vẻ đến trường học tập, vui chơi mỗi ngày.  Với thầy Hiền, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi phi đạo đức là những tiêu chuẩn cần thiết để mỗi trường học trở thành một “ngôi trường hạnh phúc”.

Hiệu quả từ “tổ tư vấn tâm lý”

“Học sinh phổ thông là lứa tuổi tâm sinh lý phát triển mạnh, khi đối mặt với căng thẳng học tập, quan hệ gia đình và xã hội, các em dễ có suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Mặt khác, quá trình các em sử dụng công nghệ, giao tiếp trên mạng xã hội rất dễ dẫn đến những hiềm khích, xích mích không đáng có. Bởi vậy, công tác tư vấn tâm lý học đường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mối quan hệ giữa thầy trò, gia đình và bạn bè.” - thầy giáo Hoàng Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Phú (Chiêm Hóa) cho biết.

Hiện nay các trường học trên địa bàn tỉnh hầu hết không có giáo viên chuyên trách về mảng tư vấn tâm lý mà phải bố trí kiêm nhiệm. Lực lượng này đa phần là giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn thanh niên. Các trường học cũng triển khai giải pháp linh hoạt nhằm hỗ trợ tâm lý cho các em học sinh bằng việc thành lập “tổ tư vấn tâm lý học đường”. Tổ tư vấn bao gồm ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, bí thư đoàn trường và các thầy cô giáo chủ nhiệm các lớp. Mỗi thầy cô giáo đều có thể trở thành một “tư vấn viên” lắng nghe, chia sẻ, động viên từng bước tháo gỡ khó khăn trong học tập, tình cảm, giúp các em học sinh hòa nhập hơn.

Với cô Đàm Bích Ngọc, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Văn Huyên, mỗi thầy cô đều có thể trở thành một người bạn, một "tư vấn viên tâm lý" đồng hành cùng các em học sinh.

Cô giáo Đàm Bích Ngọc, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Văn Huyên mắt đỏ hoe khi kể lại về những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt mà mình đã từng trực tiếp động viên, tư vấn. Đó là cậu học trò từng rất bất cần bởi có bố bị đi tù, mẹ mất sớm. Hiện tại em đã hoàn thành chương trình học và tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Một cậu học trò khác từng rất tự ti vì gia cảnh nghèo khó, em không có bố, mẹ lại bị bệnh; cô bé Bùi Thu Huyền nhiều năm liền là học sinh giỏi có người mẹ bị mù bẩm sinh; cô học trò không may mắc bệnh ung thư vẫn luôn nỗ lực học tập… Thừa nhận đã từng nhiều lần thất bại bởi chưa có cách tiếp cận đúng, các em học sinh chưa “mở lòng”, thế nhưng cô Ngọc khẳng định chỉ cần kiên trì bằng tất cả tình yêu thương, chắc chắn công tác tư vấn tâm lý sẽ đạt được những “trái ngọt”.   

Với cô Ngọc và các thầy cô trong tổ tư vấn tâm lý, quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu chính là cách để giúp các em học sinh hòa nhập, nỗ lực vượt khó vươn lên. Từ đó, tình yêu thương, sự gắn kết giữa các cô cậu học trò trong độ tuổi mới lớn cũng được khơi dậy. Nhân lên tình yêu thương để đẩy lùi bạo lực học đường chính là phương pháp hiệu quả mà nhiều trường học đang nỗ lực thực hiện nhằm xây dựng nên những ngôi trường hạnh phúc.

Cùng với phương pháp giáo dục, dẫn dắt học sinh bằng tâm lý, việc duy trì diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường”, mô hình hòm thư “Điều em muốn nói”, hoạt động giáo dục kỹ năng sống “văn hóa ứng xử học đường”, các hoạt động ngoại khóa, phát triển thể chất… cũng góp phần tạo nên những ngôi trường hạnh phúc, để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.


Tổ chức nhiều hoạt động bổ ích tạo sự gắn kết

Cô giáo Trần Thị Năm, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Trào (TP Tuyên Quang)

Những năm gần đây, Trường THPT Tân Trào rất ít khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Trường đã làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc quản lý, nắm bắt tâm lý học sinh. Trong các buổi họp phụ huynh toàn trường, họp phụ huynh của từng lớp, các buổi chào cờ đầu tuần và các buổi ngoại khóa, nhà trường đều mời phụ huynh tham gia và công khai các nội quy, quy định của nhà trường, các hình thức xử lý kỷ luật khi học sinh vi phạm bạo lực học đường. Nhà trường đã nắm bắt danh sách các học sinh “cá biệt” giao giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh học sinh để theo dõi và quản lý. Nhà trường thành lập tổ tư vấn, công khai số điện thoại của Hiệu trưởng nhà trường để phụ huynh và học sinh có thể chia sẻ khi cần. Đồng thời, thành lập các câu lạc bộ học tập, sở thích, tổ chức đa dạng các hoạt động đội, nhóm, xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, hạnh phúc... Qua đó, tạo sự gắn kết giữa phụ huynh với nhà trường, giữa bố mẹ với con cái, giữa học sinh với học sinh, vun đắp tình yêu thương và đoàn kết... Nhờ vậy, học sinh hiểu, không vi phạm và không dám vi phạm bạo lực học đường.


Lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống thông qua trải nghiệm thực tế

Ông Trần Văn Bút, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương

Ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Dương đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học triển khai giáo dục kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh lồng ghép trong các hoạt động giảng dạy chương trình chính khóa và hoạt động chuyên môn, ngoại khóa của nhà trường. Các đơn vị xây dựng tủ sách pháp luật tại các trường học; xây dựng các trang tin, bài viết, clip, hình ảnh trên môi trường mạng xã hội (zalo, facebook...) nhằm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường; nhân rộng, quảng bá những gương điển hình, gương người tốt, việc tốt để lan tỏa lối sống tích cực trong học sinh. Đến nay, 100% các đơn vị xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học, triển khai và thực hiện nghiêm túc lối sống, ứng xử văn hóa, tạo môi trường thân thiện, an toàn, không có học sinh bạo lực học đường và vi phạm pháp luật; 95% các đơn vị tổ chức các buổi hoạt động trải nghiệm thực tế đã góp phần định hướng thẩm mỹ lành mạnh, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh.


Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Đồng chí Phạm Thị Kiều Trang, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh

Trước vấn đề bạo lực học đường diễn ra thời gian gần đây, việc nêu cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng là việc làm cấp bách và thật sự cần thiết. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức đoàn, đội, hội triển khai nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ năng sống cần thiết để các em học sinh tự biết cách phòng tránh bạo lực học đường. Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức đa dạng dưới hình thức sân khấu hóa đã tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, góp phần nhắc nhở mỗi học sinh phấn đấu học tập, giúp đỡ bạn bè để luôn có được những tình bạn đẹp. Bên cạnh đó, các liên đội trên địa bàn tỉnh duy trì mô hình “Hòm thư điều em muốn nói”, các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể thao cũng đã giúp các em học sinh đẩy lùi bạo lực học đường, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.


Luôn lắng nghe con

Chị Nguyễn Thị Thảo, xã Trung Môn (Yên Sơn)

Qua theo dõi báo, đài, tôi thấy khá lo lắng trước vấn nạn bạo lực học đường thời gian gần đây. Tôi nghĩ, để có thể trò chuyện, trao đổi cùng con, trang bị cho con những kỹ năng mềm trong cuộc sống, trước hết phụ huynh phải là người giữ được kết nối gần gũi, tin cậy với con. Luôn đặt mình vào vị trí của con, nhìn từ góc nhìn của con, chứ không phải góc nhìn của người lớn, từ trên xuống. Đừng bao giờ vô tâm, coi những bất ổn con gặp là chuyện nhỏ. Trong nhịp sống hôm nay, trẻ em bị ảnh hưởng khá lớn bởi mạng xã hội, vì vậy, chúng ta buộc phải ưu tiên dành thời gian thỏa đáng lắng nghe, nắm bắt kịp thời diễn biến tâm lý hàng ngày của con. Tôi nghĩ đó chính là một trong những giải pháp đầy trách nhiệm dành cho con, cùng con bước qua giai đoạn khủng hoảng của tuổi mới lớn một cách bình an nhất.


Mong được bố mẹ, thầy cô luôn cùng đồng hành

Em Triệu Thị Thanh Việt, học sinh lớp 12, Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên)

Thực tế, em đều tự mình tìm hiểu, trang bị kiến thức về phòng, chống và để không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Ở lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, muốn tự khẳng định mình nên không phải vấn đề nào em cũng tâm sự, chia sẻ cùng bố mẹ, thầy, cô giáo. Cũng như các bạn khác, em mong muốn bố mẹ, thầy cô luôn đồng hành, chia sẻ để em có thể bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, giải tỏa tâm lý, yên tâm học tập, tránh xa bạo lực học đường. Em cũng muốn nhà trường tổ chức các buổi học ngoại khóa liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn lành mạnh.

Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục